Trong xã hội hiện đại, bảo vệ là một ngành nghề không thể thiếu, góp phần duy trì an ninh, trật tự và bảo vệ tài sản cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, đây cũng là một công việc thường xuyên bị hiểu lầm, định kiến và thậm chí bị xem nhẹ. Nhiều người cho rằng làm bảo vệ là công việc đơn giản, không cần kỹ năng hay sự cống hiến.
Nhưng thực tế, nghề bảo vệ đòi hỏi sự tận tâm, trách nhiệm cao và đôi khi phải đối mặt với những nguy hiểm khó lường. Liệu những người làm nghề bảo vệ có đáng bị xem thường? Và nếu không có họ, cuộc sống của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Những Định Kiến và Rủi Ro Người Bảo Vệ Phải Chịu Đựng
1. Bị Coi Như “Chó Giữ Nhà”
Nghe có vẻ cay đắng, nhưng đây là thực tế mà nhiều nhân viên bảo vệ phải đối mặt. Không ít người dùng những lời lẽ xúc phạm để hạ thấp công việc này, từ những kẻ thiếu ý thức cho đến cả những người được xem là có địa vị trong xã hội.
2. Bị Khách Say Xỉn Chửi Bới, Đe Dọa
Tại các quán nhậu, nhà hàng, khách sạn… khi khách đã có hơi men, họ dễ dàng trút giận lên nhân viên bảo vệ. Chỉ một sự chậm trễ nhỏ trong việc lấy xe hay một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cũng có thể trở thành lý do để họ quát tháo, thậm chí hành hung người làm nhiệm vụ.
3. Bị Gia Đình Xem Thường
Nhiều người, thậm chí ngay cả người thân, khi nghe ai đó làm bảo vệ thường tỏ thái độ dè bỉu: “Làm bảo vệ thì có tương lai gì?” Hay thậm chí ví von: “Chỉ như chó giữ nhà mà thôi.” Sự xem thường này khiến nhiều người theo nghề cảm thấy tủi thân, dù họ đang làm một công việc có ý nghĩa lớn.
4. Bị Phụ Nữ Coi Thường
Với nhiều người phụ nữ, chỉ cần biết đối phương làm bảo vệ, họ đã lập tức có khoảng cách. Có người âm thầm tránh né, có người thì tỏ thái độ ngay lập tức. Điều này khiến không ít người theo nghề cảm thấy chạnh lòng.
Không Có Bảo Vệ, Mọi Thứ Sẽ Ra Sao?
Bảo vệ không chỉ là những người đứng cổng. Họ là những người giữ an toàn cho mọi hoạt động kinh doanh, sinh hoạt, dịch vụ… Nếu không có bảo vệ, hệ quả sẽ vô cùng nghiêm trọng:
1. Tình Trạng Trộm Cắp Tràn Lan
Tại các quán ăn, quán cà phê, cửa hàng thời trang… nếu không có bảo vệ, tài sản của khách hàng sẽ trở thành mục tiêu của kẻ gian. Đã từng có trường hợp tại một cửa hàng thời trang ở TP.HCM: Chủ cửa hàng muốn tiết kiệm chi phí sau Tết nên tạm dừng dịch vụ bảo vệ. Chỉ sau một ngày, kẻ gian đã “cuỗm” ngay chiếc xe AirBlade của khách. Kết quả là cửa hàng phải gọi bảo vệ quay lại ngay lập tức.
2. Nguy Cơ Hỏa Hoạn Tăng Cao
Nhiều nhà máy, khu công nghiệp, tòa nhà coi thường công tác phòng cháy chữa cháy. Nhưng khi hỏa hoạn xảy ra, ai là người phát hiện đầu tiên? Không phải hệ thống cảnh báo, mà chính là nhân viên bảo vệ. Không có bảo vệ, hậu quả có thể không lường hết được.
3. Trật Tự, An Ninh Bị Đe Dọa
Các quán nhậu, trung tâm thương mại, khu vui chơi… nếu không có bảo vệ thì ai sẽ kiểm soát các đối tượng gây rối? Khi một vụ ẩu đả xảy ra, nếu không có ai can thiệp kịp thời, không chỉ tài sản mà cả uy tín của cơ sở kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
4. Môi Trường Làm Việc, Sinh Hoạt Kém An Toàn
Sự có mặt của bảo vệ giúp giảm đáng kể các hành vi phạm pháp. Khi biết có nhân viên bảo vệ túc trực, những kẻ có ý đồ xấu sẽ e dè hơn. Nhờ đó, khách hàng, cư dân có thể yên tâm vui chơi, sinh hoạt và làm việc.
5. Hỗ Trợ Nhiều Công Việc Khác
Bảo vệ không chỉ đứng canh gác. Họ còn giúp trông xe, hỗ trợ dắt xe, bê đồ, hướng dẫn khách… Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt này lại có ý nghĩa quan trọng, nhất là với các spa, thẩm mỹ viện, nhà hàng.
Nghề Bảo Vệ – Góc Khuất và Sự Hy Sinh Thầm Lặng
Ai cũng muốn có những ngày nghỉ lễ bên gia đình, nhưng với nhân viên bảo vệ, điều này là xa xỉ. Trong khi mọi người vui chơi, bảo vệ vẫn túc trực để đảm bảo an toàn cho người khác.
Nhiều nhân viên bảo vệ còn phải đối mặt với nguy hiểm. Khi can thiệp vào các vụ ẩu đả, họ có thể bị hành hung, trở thành “vật thế thân” bất đắc dĩ. Nhưng khi sự việc qua đi, không ai nhớ đến sự hi sinh ấy, ngoài gia đình và những người thân của họ.
Hãy thay đổi cách nhìn về nghề bảo vệ!
Họ không chỉ là những người đứng gác. Họ đang đảm bảo an toàn cho bạn, cho tài sản của bạn và cho cả xã hội. Đừng để những định kiến và sự xem thường che mờ giá trị thật sự của nghề bảo vệ.